Trong phiên giao dịch thứ Tư (03/04), các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng giá do căng thẳng địa chính trị leo thang cùng chính sách của OPEC+ hỗ trợ giá dầu.
Khi kết thúc phiên giao dịch, giá hợp đồng dầu WTI tăng 28 xu (tương đương 0.33%) lên 85.43 USD/thùng và hợp đồng dầu Brent tăng 43 xu (tương đương 0.48%) lên 89.35 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất được ghi nhận kể từ cuối tháng 10/2023.
Một số thành viên của OPEC và đồng minh OPEC+ đang tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô khoảng 2.2 triệu thùng/ngày trong ít nhất quý 2/2024. Tuy nhiên, Uỷ ban Giám sát chung của nhóm không đề xuất thay đổi chính sách sản lượng hiện tại trong cuộc họp thứ Tư và chỉ có thể đưa ra khuyến nghị để OPEC+ xem xét tại cuộc họp chính thức sau này.
Sự gia tăng dự trữ dầu thô tại Mỹ đã ảnh hưởng một phần đến đà tăng giá dầu trong ngày thứ Tư. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã tăng 3.2 triệu thùng trong tuần trước.
Bank of America cho biết giá dầu WTI và dầu Brent đã tăng khoảng 20% và 16% từ đầu năm đến nay, do kỳ vọng vào việc cải thiện tăng trưởng kinh tế sẽ đẩy thị trường dầu vào tình trạng thâm hụt 450,000 thùng/ngày trong quý 2 và quý 3/2024.
Căng thẳng địa chính trị leo thang cũng là một yếu tố khiến giá dầu tăng trong tuần này. Ukraine tiếp tục tiến hành chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, trong khi Iran, một thành viên của OPEC, đe dọa đáp trả Israel sau cáo buộc về cuộc tấn công vào lãnh sự quán ở Damascus và làm chết 7 quan chức của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Căng thẳng giữa Israel và Iran đã gợi lên lo ngại về một cuộc chiến tranh lớn hơn ở Trung Đông, có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thô.