Sensex, một chỉ số chứng khoán quan trọng, phản ánh sự biến động của thị trường chứng khoán Ấn Độ. Đây là một công cụ đo lường chính xác và đáng tin cậy để theo dõi sự phát triển của thị trường chứng khoán Ấn Độ. Hãy cùng tìm hiểu về chỉ số Sensex qua bài viết dưới đây.
Giới thiệu về chỉ số Sensex
Chỉ số Sensex, còn được gọi là S&P BSE Sensex Index, là chỉ số chuẩn của Sàn giao dịch chứng khoán Bombay (BSE) ở Ấn Độ. Chỉ số này bao gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất và giao dịch tích cực nhất trên sàn Bombay.
Chỉ số BSE Sensex được các nhà đầu tư và phân tích viên chứng khoán sử dụng như một công cụ để theo dõi và đánh giá sự phát triển của các ngành công nghiệp và nền kinh tế Ấn Độ. Đây được xem là một thước đo chính xác nhất cho thị trường chứng khoán và kinh tế của Ấn Độ.
Khi giá trị của chỉ số Sensex tăng, các nhà đầu tư thường có động lực để mua cổ phiếu. Điều này dẫn đến việc thị trường chứng khoán tăng lên, doanh nghiệp có đủ tài nguyên để mở rộng sản xuất, đầu tư vào dự án mới và thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Ngược lại, khi giá trị của chỉ số Sensex giảm, nhà đầu tư thường bán cổ phiếu để tránh rủi ro thua lỗ. Lúc này, thị trường chứng khoán giảm theo, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn để sản xuất và đầu tư.
Quá trình hình thành và phát triển của chỉ số BSE Sensex
Chỉ số BSE Sensex được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1986, là chỉ số chứng khoán lâu đời nhất của Ấn Độ. Thuật ngữ Sensex được nhà phân tích chứng khoán Deepak đặt ra, dựa trên sự kết hợp của hai từ Sensitive và Index.
Trong quá trình hình thành và phát triển, chỉ số Sensex đã trải qua nhiều biến động. Đặc biệt, vào ngày 18/04/1992, xuất hiện tin tức về vụ lừa đảo liên quan đến một nhà môi giới nổi tiếng đã dùng tiền từ các ngân hàng công cộng để bơm vào chứng khoán. Sự kiện này đã khiến cho giá trị của chỉ số Sensex sụt giảm vô cùng nghiêm trọng, lên đến 12,7%.
Sau đó, chỉ số Sensex đã có những tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào chính sách mở cửa nền kinh tế của Ấn Độ. Giá trị của chỉ số tăng từ 3.377,28 điểm vào năm 2002 lên 20.286,99 điểm vào năm 2007.
Tuy nhiên, do khủng hoảng tài chính năm 2008 nên sự tăng trưởng của Sensex Index bị chậm lại một chút. Song cũng nhanh chóng phục hồi kể từ năm 2010. Đến tháng 8/2018, giá trị của Sensex Index đạt mức 38.896,63 điểm. Hiện tại, giá trị của chỉ số đã đạt mốc 70,506.31 điểm (giá đóng cửa vào ngày 20/12/2023).
Thành phần của chỉ số Sensex
Thành phần của BSE Sensex Index được xem xét lại vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm. Để được chọn làm thành viên của chỉ số Sensex, các cổ phiếu cần đáp ứng những tiêu chí sau đây:
- Phải được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Bombay (BSE) của Ấn Độ.
- Có vốn hóa thị trường lớn.
- Cần có tính thanh khoản tương đối và được giao dịch tích cực.
- Tạo ra doanh thu từ các hoạt động cốt lõi.
Một số công ty lớn, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chỉ số Sensex có thể kể đến như:
- Reliance Industries Limited (RIL): Đây là một trong những công ty tư nhân lớn nhất của Ấn Độ, có trụ sở tại Mumbai, Maharashtra. Reliance Industries Limited hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, đồng thời cũng là thành viên chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số Sensex.
- Tata Consultancy Services (TCS): Tata Consultancy Services là công ty công nghệ thông tin lớn nhất của Ấn Độ, thành lập năm 1968, trụ sở đặt tại Mumbai. Công ty hoạt động trong lĩnh vực phát triển phần mềm và giải pháp công nghệ thông tin.
- HDFC Bank: Đây là ngân hàng tư nhân lớn nhất Ấn Độ tính theo tài sản và lớn thứ 5 thế giới tính theo vốn hóa thị trường. HDFC Bank hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng bán lẻ và đầu tư.
- Infosys: Đây là công ty công nghệ thông tin lớn thứ hai của Ấn Độ, trụ sở đặt tại Bengaluru. Infosys hoạt động trong lĩnh vực phát triển phần mềm và giải pháp công nghệ thông tin.
Tìm hiểu về cách tính chỉ số BSE Sensex
Chỉ số BSE Sensex, một chỉ số chứng khoán quan trọng của Ấn Độ, được tính toán dựa trên giá cổ phiếu của 30 công ty niêm yết trên sàn Bombay. Từ năm 2003, BSE đã chuyển sang phương pháp giá trị vốn hóa thị trường thả nổi tự do để đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho các nhà đầu tư.
Vốn hóa thị trường thả nổi tự do = Vốn hóa thị trường x Hệ số thả nổi tự do
Vốn hóa thị trường thả nổi tự do được tính bằng cách nhân vốn hóa thị trường với hệ số thả nổi tự do. Vốn hóa thị trường được tính bằng cách nhân giá cổ phiếu với số cổ phiếu mà công ty phát hành. Hệ số thả nổi tự do là tỷ lệ phần trăm giữa tổng số cổ phiếu do công ty phát hành và cổ phiếu có sẵn để giao dịch.
Sau khi tính toán được vốn hóa thị trường tự do thả nổi, nhà đầu tư áp dụng công thức sau để tính giá trị của Sensex Index:
Giá trị Sensex Index = (Tổng vốn hóa thị trường thả nổi tự do / Vốn hóa thị trường cơ sở) x Giá trị chỉ số thời kỳ cơ sở
Trong đó, giá trị chỉ số thời kỳ cơ sở là 100 điểm, được ghi nhận vào năm 1978 – 1979.
3 Yếu tố chính ảnh hưởng đến BSE Sensex Index
Giá trị của chỉ số Sensex bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố chính là điều kiện kinh tế, lạm phát và lãi suất. Cụ thể:
- Điều kiện kinh tế toàn cầu: Khi điều kiện kinh tế thuận lợi, giá trị của chỉ số Sensex thường tăng lên. Trader sẽ tự tin hơn khi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Khi nền kinh tế toàn cầu trở nên suy thoái, giá chỉ số Sensex cũng giảm xuống. Trader thường thận trọng hơn trong việc đầu tư và có xu hướng thoát vị thế để hạn chế thua lỗ.
- Lạm phát: Khi lạm phát xảy ra, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên, kéo theo tình trạng trader có ít vốn hơn để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất của các công ty cũng tăng lên, khiến cho chỉ số Sensex cũng có sự suy giảm.
- Thay đổi lãi suất: Lãi suất tăng cao sẽ khiến cho chi phí vay cũng tăng lên. Điều này gây áp lực lên kết quả hoạt động của các công ty, dẫn đến giảm hiệu suất của chỉ số Sensex.
So sánh chỉ số Sensex với các chỉ số chứng khoán khác
Trên thị trường chứng khoán quốc tế có rất nhiều chỉ số đại diện cho nền kinh tế của mỗi quốc gia. Ví dụ như chỉ số S&P 500 đại điện cho chứng khoán Mỹ, Nikkei 225 đại diện cho chứng khoán Nhật Bản. Vậy các chỉ số này có điểm gì khác so với chỉ số Sensex của Ấn Độ?
So sánh Sensex với S&P 500 của chứng khoán Mỹ
S&P 500 là chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Mỹ, phần nào phản ánh sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số này được dùng để đo lường vốn hóa thị trường của 500 công ty đại chúng lớn nhất được niêm yết trên hai sàn chứng khoán hàng đầu của Mỹ và New York và Nasdaq. So với Sensex, S&P 500 Index có trọng số lớn hơn và khả năng phân bố cũng đồng đều hơn. Chỉ số Sensex chỉ bao gồm 30 công ty lớn nhất tại Ấn Độ. Trong khi đó, S&P 500 có đến 500 công ty hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Vì vậy, S&P 500 Index sẽ có mức độ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới lớn hơn so với Sensex Index.
So sánh Sensex với Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản
Nikkei 225 là chỉ số chứng khoán hàng đầu của Nhật Bản, bao gồm 225 công ty lớn nhất được niêm yết trên Sàn giao dịch Tokyo Stock Exchange (TSE). Điểm khác biệt lớn nhất giữa Sensex Index và Nikkei 225 Index đó là sự đa dạng của các công ty thành phần. Cụ thể, thành phần của Sensex Index chỉ bao gồm các công ty Ấn Độ, còn thành phần Nikkei 225 thì đa dạng hơn khi có sự tham gia của các công ty đa quốc gia, đặc biệt Mỹ và Trung Quốc.
Kết luận
Với thành phần là các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn Bombay, Sensex sẽ là chỉ số mà bạn cần theo dõi khi muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán tại quốc gia này. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ về chỉ số Sensex là gì. Đừng quên theo dõi website của Investo để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích về đầu tư khác nhé!